13/10/2024
BỆNH SỞI VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh sởi:
Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp như: khi ho, hắt hơi, nói chuyện,… bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Triệu chứng của bệnh:
Sởi thường kéo dài 7–10 ngày. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn. Người lớn và trẻ lớn triệu chứng sẽ rầm rộ hơn, kèm theo đau đầu, đau cơ.
Phát ban xuất hiện sau 4–5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, mặt, thân và lan dần xuống chân. Sau khi mọc ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban lan đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.
Trẻ em mắc bệnh này có thể gặp biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai và đặc biệt là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài. Người lớn và trẻ lớn mắc bệnh sởi có thể bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay gây dị tật cho thai nhi.

Cách phòng ngừa
- Cách ly, không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
- Tiêm ngừa cho trẻ từ lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân để phòng lây bệnh cho mình và người khác
- Những nơi có các ổ dịch tập trung, trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm văcxin sởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.
- Nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ.